Si mê và chân thành của Lâm Đại Ngọc Lâm Đại Ngọc

Một bức tranh khắc gỗ thời Thanh vẽ cảnh Đại Ngọc chôn hoa

Thời kỳ đầu yêu, cặp Bảo – Đại lúc thì vui, lúc thì bực, Đại Ngọc ngước gió tuôn lệ, thương cảm thở than. Vì si tình, vì nhạy cảm tự ti và cảm giác bất an, nàng luôn dùng lời nói kháy ướm thử, nhưng khá chân thành với Bảo Ngọc. Bảo Ngọc tặng khăn, dặn nàng yên tâm, Đại Ngọc cuối cùng đã hiểu được ý tứ sâu xa của Bảo Ngọc, bèn không gây chuyện nữa. "Nhược thủy 3 ngàn dặm, cũng chỉ cần một gáo nước mà thôi". Thời kỳ sau, cặp Bảo – Đại đạt đến cảnh giới là tri kỷ tri âm, không thể xa rời.

Hai vị tiên khách từ thiên giới giáng trần này, họ rất coi thường công danh lợi lộc mà mọi người đang chăm chăm bon chen. Cặp Bảo – Đại phản nghịch như vậy, trong con mắt mọi người quả là "ngu si không thể nào dùng lý lẽ khuyên bảo được". Bởi em Lâm chưa từng nói chuyện tầm phào mua danh bán tước, nên Bảo Ngọc càng thêm kính trọng. "Chỉ mong mọc ra đôi cánh, bay theo hoa đến tận cùng cõi trời. Đến tận cùng cõi trời, nơi nào có gò hương?". Nỗi buồn cố hương thiên quốc từ đời trước, lại thấy lạc lõng trước xã hội thế tục, khiến Đại Ngọc đa sầu đa cảm vô cùng cô đơn, chỉ có Bảo Ngọc hiểu được nàng.

Bảo Thoa tính toán bước đệm rất tinh nhanh, trong khi Đại Ngọc lại đắm chìm trong ý thơ và thế giới nội tâm tự do. "Xa đời ngất ngưởng cùng ai đấy, Biếng nở lừ đừ khéo chậm sao?", cũng giống như bài thơ hoa cúc của nàng, nàng là một người ở ẩn cao khiết phóng khoáng. Bảo Ngọc niệm rằng: "Trần trụi đến đi chẳng bận tâm", đã đánh thức Phật tính. Đại Ngọc ngộ được "Không chỗ đứng lập thân, mới là sạch sẽ", căn bản là không mưu cầu điều gì, đến thế gian dạo chơi một chuyến, mau chóng quay trở về cố hương nơi Thiên quốc không bị thế tục trói buộc.

Bảo Ngọc cả đời chỉ có cái chấp về tình là mãi không buông bỏ được. Đại Ngọc khóc trả hết nước mắt rồi rời đi, chàng ta còn có điều gì mà không buông bỏ được nữa, cuối cùng xuất gia là lẽ đương nhiên.

Hồi 87, Diệu Ngọc nghe thấy tiếng đàn của Đại Ngọc ở ngoài Tiêu Tương quán, tiếng đàn thanh thoát bi thiết. Đại Ngọc ngâm nga "Lòng canh cánh không ngủ, dải Ngân Hà mờ xa". Diệu Ngọc nói: "Sao ưu tư quá thế!". Cuối cùng tiếng đàn "bỗng chuyển thanh chủy", Diệu Ngọc thất sắc nói: "Âm vận có thể tan vàng nát đá! Sai biệt quá rồi, e sẽ không được lâu!". "Binh", tiếng dây đàn đứt đoạn.

Đại Ngọc dù là ngâm thơ, chơi đàn, hay yêu đương cũng đều vô cùng tinh tế, toàn tâm toàn ý đặt vào đó, đốt cháy hết mới thôi. Thơ của nàng chính là tính tình chân thực, tiếng đàn của nàng chính là tâm hồn, tình yêu của nàng chính là sinh mệnh.

Nước trong mọc phù dung, tự nhiên không trang sức, Đại Ngọc có sự thuần khiết thanh tịnh không thuộc về cõi trần thế. Vì chân thành, nên nàng không có tính toán, cũng không cự tuyệt cầu toàn, nói chuyện nhiều khi đắc tội người khác. Vì nàng không có mặt nạ giả tạo, nên hiển nhiên khiến tâm thái giả tạo của người khác phải đeo các loại mặt nạ, khiến người ta không thoải mái. Vượt qua cái vẻ bề ngoài chua cay khắc nghiệt, cô độc cao ngạo không hòa đồng ấy, nàng là một nhi nữ có tấm lòng chân thành, xinh đẹp lanh lợi, giàu tình cảm thi vị. Nàng rất đặc biệt, vô cùng lãng mạn.

Vứt bỏ công danh lợi lộc, chỉ cầu cái đẹp và cái chân, kiên trì cái chí chân chí thuần của nội tâm — Làm được thuần túy triệt để như thế này, xưa nay có được mấy ai?

Liên quan